Top 7 món ăn cho người bệnh tiểu đường ổn định đường huyết

1. Canh cải nấu thịt

Công dụng:

Với người bình thường, sử dụng cải bó xôi thường xuyên sẽ giúp giảm tới 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Còn đối với bệnh tiểu đường, cải bó xôi giúp người bệnh kiểm soát tốt lượng đường có trong máu. Kết hợp với protein có trong thịt lợn, cung cấp dinh dưỡng và năng lượng tới người bệnh.

Canh cải nấu thịt là một món ăn dinh dưỡng mà người bệnh tiểu đường nên bổ sung trong thực đơn hàng ngày.
Nguyên liệu:

500g rau cải
150g thịt heo xay
2 củ hành tím băm nhỏ
Các gia vị khác.
Cách chế biến:

Rau cải rửa sạch và cắt khúc vừa ăn, ướp thịt với ½ thìa cafe nước mắm trong khoảng 5 – 10 phút.
Cho dầu và phi thơm hành tím. Sau khi hành đã vàng, cho thịt vào đảo đều trong khoảng 1 – 2 phút và đổ khoảng 1 lít nước.
Đợi nước sôi đều và cho rau cải vào, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Lưu ý: bạn chỉ cho rau cải vào khi nước đã sôi đều và tắt bếp sau 2 – 3 phút sau khi cho rau cải vào, tránh để lửa lâu gây nhũn rau và mất các chất dinh dưỡng vốn có trong rau.

2. Bông cải xanh xào tỏi

Công dụng:

Trong bông cải xanh có chứa hoạt chất sulforaphane giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết ở những người bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, việc tiêu thụ bông cải xanh giúp giảm mức insulin ở những người bệnh type 2 có thừa cân và bảo vệ tế bào chống lại tổn thương do biến chứng bệnh tiểu đường gây ra[1].
Tỏi có chứa hàm lượng calo thấp, giúp làm giảm lượng đường huyết, giảm viêm và hạ cholesterol xấu ở những người bệnh tiểu đường.
Bông cải xanh xào tỏi cũng là một món ăn cho người bệnh tiểu đường và là món thuộc nhóm rau củ, cung cấp hàm lượng chất xơ và vitamin dồi dào tới người bệnh tiểu đường.
Nguyên liệu:

200g bông cải xanh
3 tép tỏi băm nhỏ
2 muỗng dầu ăn
Gia vị khác.
Cách chế biến:

Rửa sạch bông cải xanh, tách thành những nhánh nhỏ và cắt khúc vừa ăn.
Cho bông cải xanh vào nước sôi trần xơ trong vòng 1 – 2 phút rồi vớt ra.
Sau đó, phi thơm tỏi băm nhỏ với 2 muỗng dầu ăn và cho bông cải xanh vào xào cùng.
Đảo đều tay trong khoảng 2 phút và nêm nếm gia vị vừa ăn.
Lưu ý: chỉ trần sơ qua bông cải xanh, tránh luộc kĩ làm mất chất dinh dưỡng có trong rau.

3. Khổ qua xào trứng

Công dụng:

Khổ qua được xem là một vị thuốc dân gian và có nhiều công dụng tuyệt vời đối với bệnh nhân tiểu đường. Trong khổ qua, có chứa hoạt chất lectin giúp giảm nồng độ đường có trong máu, từ đó giảm sự thèm ăn và giảm số lượng các bữa ăn.
Trứng có chứa rất ít carbohydrate, một quả trứng chỉ chứa khoảng 1/2g carbohydrate và bản thân nó không có khả năng làm tăng lượng đường trong máu.
Sự kết hợp giữa khổ qua và trứng đã tạo nên một món ăn cho người bệnh tiểu đường nên bổ sung vào khẩu phần ăn trong tuần.
Nguyên liệu:

2 trái khổ qua
2 quả trứng gà
Hành lá
Gia vị.
Cách chế biến:

Bạn rửa sạch khổ qua, dùng dao bổ dọc và bỏ hết phần ruột và cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
Cho khổ qua vừa được thái nhỏ vào ngâm trong chậu nước lạnh, điều này sẽ giúp loại khử bớt vị đắng của khổ qua.
Đập 2 quả trứng gà vào bát nhỏ và cho thêm ½ thìa cafe hạt nêm, dùng đũa đánh đều. Sau đó, phi thơm hành tím và cho khổ qua vào đảo đều trong 2 phút, và cho trứng đã chuẩn bị vào xào cùng.
Cuối cùng, nêm nếm gia vị vừa ăn và rắc thêm một chút hành lá trang trí.

4. Cháo đậu đỏ

Công dụng:

Đậu đỏ chứa nhiều chất xơ và protein giúp người bệnh no lâu. Đậu đỏ cũng là một nguồn cung cấp carbohydrate phức hợp, khiến cơ thể tiêu hóa chậm hơn, giúp người bệnh kiểm soát được lượng đường trong máu dễ dàng.
Cháo đậu đỏ được xếp vào vị trí dễ ăn và cũng rất ngon trong danh sách các món ăn cho người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bổ sung đậu đỏ giúp loại bỏ các chất cặn bã, chất độc ở thành ruột và các chất béo có hại cho sức khỏe.
Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách nấu cháo đậu đỏ cốt dừa đơn giản tại nhà.

Nguyên liệu:

½ bát gạo tẻ
150g đậu đỏ
150g dừa nạo
5 lá dứa.
Cách chế biến:

Gạo và đậu đỏ rửa sạch và ngâm nước để mềm và dễ nấu, trong đó, gạo ngâm khoảng 1 tiếng và đậu đỏ ngâm khoảng 30 phút.
Trong thời gian chờ, bạn cho dừa nạo cùng 1 bát nước ấm vào bao vải nhỏ và vắt lấy nước cốt. Sau khi đậu đã ngâm mềm, vớt đậu ra và cho vào nồi ninh mềm cùng 1 lít nước.
Cho gạo và lá dứa vào nồi và nấu cùng. Khi gạo đã nở thì vớt lá dứa ra và cho nước cốt dừa vào. Đun đến khi nồi cháo sôi đều, tắt bếp và nêm gia vị vừa ăn.

5. Rau mồng tơi nấu cua

Công dụng:

Rau mồng tơi nấu cua là một trong các món ăn dành cho bệnh nhân tiểu đường giải nhiệt mùa hè vừa ngon miệng, vừa dinh dưỡng dành cho người bệnh tiểu đường.

Chất nhầy trong rau mồng tơi có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa của tinh bột, giúp quá trình tăng glucose trong máu diễn ra chậm hơn, tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột và gây ra biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Khi kết hợp với cua, canh rau mồng tơi sẽ có tác dụng kích thích sự sản sinh insulin, giúp quá trình điều tiết glucose được ổn định hơn. Ngoài ra, cua còn giúp bổ sung chất béo omega 3 góp phần ngăn chặn sự tích tụ của cholesterol xấu, ổn định đường huyết và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Nguyên liệu:

200g cua đồng
1 bó rau mồng tơi
hành tím băm nhỏ
Gia vị.
Cách chế biến:

Rửa sạch cua, tách mai cua và lấy gạch ra cho vào bát. Cho phần thân cua vào cối cùng 1 chút muối và giã Sau đó, lọc bỏ phần bã và giữ lại phần nước. Rau mồng tơi rửa sạch và thái nhỏ.
Cho dầu ăn vào chảo và phi thơm hành tím. Sau đó, cho gạch cua vào đảo đều trong vòng 2 – 3 phút.
Cho nước lọc cua vào nồi và đun sôi. Khi nước gần sôi, cho lửa nhỏ để tránh trào phần thịt cua ra ngoài. Khi canh cua bắt đầu sôi, cho phần gạch cua và rau mồng tơi vào và đun sôi trở lại. Cuối cùng, tắt bếp và nếm gia vị vừa ăn.

6. Canh cải xoong tôm

Công dụng:

Tôm có giá trị dinh dưỡng cao, có chứa nhiều acid amin, canxi, natri rất tốt cho sức khỏe. Người bệnh tiểu đường có thể yên tâm sử dụng tôm mà không gây lo tăng lượng đường trong máu do hàm lượng lớn protein có trong tôm.
Hoạt chất chống oxy hóa quercetin có trong rau cải xoong giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, ngăn chặn quá trình chuyển hóa đường glucose thành fructose và sorbitol và tránh các biến nguy hiểm của bệnh tiểu đường như tổn thương các tế bào thần kinh, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể… Vì thế, canh cải xoong nấu tôm không thể thiếu trong các món ăn dành cho bệnh nhân tiểu đường.
Nguyên liệu:

200g tôm tươi
300g cải xoong
2 củ hành tím băm nhỏ
½ muỗng dầu ăn
Gia vị.
Cách chế biến:

Cải xoong rửa sạch và cắt khúc vừa ăn, tôm lột vỏ, bỏ chỉ trên lưng và rửa sạch.
Ướp tôm cùng với hành tím, hạt nêm và muối trong khoảng 20 phút.
Sau khi tôm đã ngấm gia vị, cho tôm lên bếp và xào khoảng 2 phút. Tiếp theo, cho thêm 1 lít nước vào nồi và đun với lửa lớn.
Sau khi nước đã sôi, bạn cho rau cải xoong vào và đun thêm 1 – 2 phút nữa, tắt bếp và nêm gia vị vừa ăn.

7. Canh măng chua cá hồi

Công dụng:

Cá hồi là một trong những lựa chọn tuyệt vời cho người bệnh tiểu đường. Cá hồi cung cấp chất béo lành mạnh omega 3, bổ sung protein, làm tăng cảm giác no và tăng cường trao đổi chất, giúp người bệnh tiểu đường giảm bớt số lượng bữa ăn.
Măng có chứa ít đường và giàu chất xơ, giúp giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường. Bên cạnh đó, măng còn cung cấp rất nhiều vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E, B giúp tăng sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh.
Nguyên liệu:

150g đầu cá hồi
100g măng chua
2 quả cà chua
Gia vị: ớt, hành tím, gừng và các gia vị khác
Cách chế biến:

Rửa sạch măng chua, cà chua, rau và cắt lát vừa ăn.
Đầu cá hồi làm sạch và ngâm trong hỗn hợp nước muối pha loãng và gừng trong vòng 10 phút để khử sạch mùi tanh. Sau đó, ướp đầu cá với hạt nêm, muối, bột ngọt, hành tím cắt lát trong khoảng 15 phút.
Cho 1 chút dầu ăn vào nồi và xào cà chua, khi cà chua chín cho khoảng 1 lít nước và bật lửa lớn. Khi nước sôi, cho đầu cá hồi đã ướp vào và đun nhỏ trong 5 phút, tiếp tục cho thêm măng vào đun sôi.
Tắt bếp và nêm gia vị vừa ăn.